Bị phạt, truy thu hơn 20 tỉ đồng vì…không đăng ký tài khoản ngân hàng
Có doanh nghiệp bị truy thu và phạt số tiền lên đến hơn 21 tỉ đồng, cơ quan thuế của tỉnh kiến nghị tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) ở ĐBSCL phản ánh việc khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Nguyên nhân xuất phát từ quy định trong Thông tư 219/2013 của Bộ Tài chính có độ vênh với Luật Thuế GTGT và nghị định hướng dẫn luật này.
Nhiều doanh nghiệp bị phạt, truy thu
Ông Phạm Hoàng Lâm, Giám đốc Công ty Cổ phần Hưng Lâm xuất khẩu gạo ở An Giang, than thở công ty của ông bị cơ quan thuế An Giang truy thu và phạt số tiền thuế hơn 630 triệu đồng. Nguyên nhân do tài khoản ngân hàng bên bán và bên mua chưa đăng ký cơ quan thuế.
Cụ thể, quá trình kiểm tra hoàn thuế thì Công ty Hưng Lâm bị cơ quan thuế loại số thuế GTGT đầu vào không đủ điều kiện được khấu trừ theo quy định tại Thông tư 219/2013 của Bộ Tài chính. Lý do, Cục Thuế tỉnh An Giang và Tổng cục Thuế qua kiểm tra xác định các hóa đơn GTGT đầu vào có giá trị trên 20 triệu đồng đã được Công ty Hưng Lâm thanh toán qua ngân hàng đúng quy định. Nhưng các tài khoản tiền gửi ngân hàng của công ty này chưa đăng ký với cơ quan thuế theo quy định.
Do đó cơ quan chức năng đã ban hành quyết định truy thu của Hưng Lâm số tiền 461 triệu đồng, phạt hành chính khai sai 92 triệu đồng và phạt nộp chậm số tiền 77 triệu đồng. Tổng cộng hơn 630 triệu đồng.
Tương tự, DNTN Hiệp Lợi (cũng ở An Giang) phản ánh bị cơ quan thuế truy thu và phạt số tiền 558 triệu đồng do chưa đăng ký tài khoản ngân hàng với cơ quan thuế.
Cụ thể, vào tháng 5-2014, DN Hiệp Lợi kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hóa đơn mua vào có tổng giá trị thanh toán từ 20 triệu đồng trở lên. DN này dùng ủy nhiệm chi để chuyển tiền từ tài khoản của DN sang tài khoản bên bán là DNTN lúa gạo Trương Minh. Tuy nhiên, DN Trương Minh chưa đăng ký số tài khoản với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Dựa vào lý do trên, chiếu theo quy định trong Thông tư 219/2013, DN Hiệp Lợi bị phạt truy thu thuế 374 triệu đồng, phạt vi phạm hành chính khai sai 74 triệu đồng và phạt chậm nộp 108 triệu đồng.
Không chỉ hai DN trên, một DN khác ở An Giang là Hồng Lợi cũng bị truy thu và phạt số tiền lên đến hơn 21 tỉ đồng với lý do chưa đăng ký tài khoản với cơ quan thuế.
Làm khổ doanh nghiệp
Ông Phạm Hoàng Lâm – Giám đốc Công ty Cổ phần Hưng Lâm và một số DN cho biết khi tham chiếu các quy định của pháp luật thì thấy có sự thiếu nhất quán (vênh nhau) giữa Luật Thuế GTGT, nghị định của Chính phủ và thông tư của Bộ Tài chính.
Cụ thể, Luật Thuế GTGT năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT năm 2013 cũng như các nghị định hướng dẫn liên quan quy định về điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào nêu rõ: “Chỉ có hóa đơn mua vào và chứng từ thanh toán qua ngân hàng trên 20 triệu là được khấu trừ thuế đầu vào”.
Thế nhưng Thông tư số 219/2013 của Bộ Tài chính lại quy định thêm ngoài việc thanh toán qua ngân hàng trên 20 triệu đồng, tài khoản ngân hàng bên mua và bên bán bắt buộc phải đăng ký với cơ quan thuế thì mới được khấu trừ, hoàn thuế.
Ông Lâm cho rằng luật và nghị định không quy định bên mua và bên bán phải đăng ký tài khoản ngân hàng với cơ quan thuế thì mới được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nên việc Bộ Tài chính đưa thêm quy định như trên là trái với luật và nghị định.
“Quy định chồng chéo, thiếu thống nhất như nêu trên đã đưa chúng tôi vào tình thế khó khăn, bị phạt, bị cưỡng chế. Tôi đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng xem xét lại Thông tư 219. Nếu thấy không phù hợp thì sửa đổi, cởi trói, hủy bỏ các quyết định xử phạt và truy thuế, giảm áp lực khó khăn cho DN” – ông Lâm chia sẻ.
Theo nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM, mới đây, Cục Thuế tỉnh An Giang đã có công văn gửi UBND tỉnh An Giang về một số phản ánh trên của DN. Văn bản do Cục phó Cục Thuế tỉnh An Giang Bùi Thanh Bình ký.
Theo đó, Cục Thuế tỉnh An Giang thừa nhận thực tế trong quá trình quản lý thuế, một số DN chưa kịp đăng ký hoặc thông báo tài khoản ngân hàng với cơ quan thuế. Khi cơ quan thuế kiểm tra, DN không được chấp thuận khấu trừ thuế GTGT đối với hàng hóa dịch vụ mua đầu vào nên đã bị truy thu và xử phạt về thuế.
Từ thực tế trên, Cục Thuế tỉnh An Giang kiến nghị UBND tỉnh có ý kiến với Bộ Tài chính về những vướng mắc trên để có giải pháp tháo gỡ, nhằm tạo điều kiện cho một số DN được khấu trừ thuế GTGT.
Kêu cứu vì cá đông lạnh bị “tạm giữ” tại cảng
Công ty TNHH Maersk Việt Nam vừa gửi văn bản cầu cứu lên một số cơ quan nhà nước về việc bảy container hàng cá đông lạnh thuộc hai vận đơn của công ty đã bị Đội kiểm soát Hải quan Hải Phòng “tạm giữ” tại cảng Hải Phòng từ ngày 13-1 năm nay nhưng đến nay cơ quan này vẫn chưa đưa ra quyết định xử lý, một nguồn tin cho Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn Online biết.
Cũng theo DN này, chi phí lưu container cắm điện tính đến ngày 7-9 vừa rồi là hơn 510.000 USD, tức hơn 11 tỉ đồng, tương ứng với hơn 50 triệu đồng/ngày. Thực thế là Maersk đã có đơn gửi hải quan Hải Phòng hồi giữa tháng 7 đề nghị có quyết định xử lý nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm.
Trong đơn, DN này đề nghị các cơ quan nhà nước liên quan nhanh chóng đưa ra quyết định để xử lý lô hàng và hướng giải quyết phí lưu container nhằm hạn chế thiệt hại cho DN.
Họ đã nói
Việc đăng ký hay không đăng ký tài khoản ngân hàng với cơ quan thuế thì Nhà nước cũng không có thuế và DN cũng không có dấu hiệu gian lận thuế. Quy định trên của Bộ Tài chính gây khổ thêm cho DN vì không được khấu trừ thuế còn bị phạt hành chính.
Ông PHẠM HOÀNG LÂM, Giám đốc Công ty Cổ phần Hưng Lâm
TRÀ PHƯƠNG – Báo Pháp Luật