Có được kê khai vé cước đường bộ để khấu trừ thuế GTGT
Chi tiết câu hỏi :Tôi là kế toán Công ty TNHH Song Thịnh, trụ sở tại quận Gò Vấp,TP. Hồ Chí Minh. Công ty của tôi kinh doanh ngành nghề vận chuyển, cho thuê thiết bị, giàn giáo nên xe tải của Công ty thường xuyên đi qua các trạm thu phí. Tôi xin hỏi, Công ty có được kê khai vé thu cước đường bộ để khấu trừ thuế giá trị gia tăng không?
Trả lời :
Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh có ý kiến về vấn đề này như sau:
Theo Khoản 12, Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính, đối với hàng hóa, dịch vụ được sử dụng chứng từ thanh toán ghi giá thanh toán là giá đã có thuế giá trị gia tăng (GTGT) như tem, vé cước vận tải, vé xố số kiến thiết… thì giá chưa có thuế được xác định như sau:
Giá chưa có thuế GTGT = Giá thanh toán (tiền bán vé, bán tem…)/ [1 + thuế suất của hàng hóa, dịch vụ (%) ]
Khoản 15, Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC quy định, cơ sở kinh doanh không được tính khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với trường hợp:
– Hoá đơn GTGT sử dụng không đúng quy định của pháp luật như: hóa đơn GTGT không ghi thuế GTGT (trừ trường hợp đặc thù được dùng hoá đơn GTGT ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT).
– Hoá đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các chỉ tiêu như tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán nên không xác định được người bán.
– Hoá đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các chỉ tiêu như tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua nên không xác định được người mua (trừ trường hợp hướng dẫn tại Khoản 12 Điều này).
– Hóa đơn, chứng từ nộp thuế GTGT giả, hóa đơn bị tẩy xóa, hóa đơn khống (không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo).
– Hóa đơn ghi giá trị không đúng giá trị thực tế của hàng hóa, dịch vụ mua, bán hoặc trao đổi.
Điểm c, Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính quy định loại và hình thức hóa đơn: “Hoá đơn khác gồm: tem; vé; thẻ; phiếu thu tiền bảo hiểm…”.
Điểm b, Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 39/2014/TT-BTC quy định một số trường hợp hóa đơn không nhất thiết có đầy đủ các nội dung bắt buộc: “Các trường hợp sau không nhất thiết phải có đầy đủ các nội dung bắt buộc, trừ trường hợp nếu người mua là đơn vị kế toán yêu cầu người bán phải lập hoá đơn có đầy đủ các nội dung hướng dẫn tại khoản 1 Điều này:…
Đối với tem, vé: Trên tem, vé có mệnh giá in sẵn không nhất thiết phải có chữ ký người bán, dấu của người bán; tên, địa chỉ, mã số thuế, chữ ký người mua…”.
Theo Điểm c, Khoản 1, Điều 2 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điểm b, Khoản 3, Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế thì:
“b) Hồ sơ khai thuế GTGT tháng, quý áp dụng phương pháp khấu trừ thuế:
– Tờ khai thuế GTGT theo Mẫu số 01/GTGT ban hành kèm theo Thông tư này (thay thế cho mẫu Tờ khai thuế GTGT theo Mẫu số 01/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 của Bộ Tài chính)”.
Căn cứ Công văn số 4351/TCT-CS ngày 12/12/2013 của Tổng cục Thuế hướng dẫn về khấu trừ thuế GTGT.
Trường hợp Công ty TNHH Song Thịnh hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển có phát sinh nộp cước đường bộ nếu vé cước đường bộ được lập theo quy định tại Thông tư số 39/2014/TT-BTC, trên vé ghi rõ là đã bao gồm thuế GTGT 10% thì vé cước đường bộ là hóa đơn đặc thù và là chứng từ để kê khai, khấu trừ thuế GTGT và tính vào chi phí nếu bảo đảm các điều kiện theo quy định.
Về kê khai vé cước đường bộ vào Phụ lục PL01-2/GTGT (bảng kê hàng hóa dịch vụ mua vào) theo quy định hiện hành hồ sơ khai thuế GTGT doanh nghiệp không phải lập Phụ lục trên.
Theo Chinh Phu .vn