Sẽ thanh, kiểm tra thuế khoảng 18% số doanh nghiệp trong năm 2016
Một trong các giải pháp đầu tiên mà Tổng cục Thuế, cũng như nhiều cục thuế đưa ra tại hội nghị trực tuyến về thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách với 13 địa phương có điều tiết ngân sách về trung ương mới đây, đó là đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế, phấn đấu đạt mức tối thiểu 18% trên số doanh nghiệp đang hoạt động thuộc địa bàn quản lý thuế. Rà soát báo cáo tài chính chính thức năm 2015 của các DN, lựa chọn những DN có rủi ro để triển khai thanh tra, điều chỉnh và bổ sung kế hoạch thanh tra đối với các DN có rủi ro, ảnh hưởng đến số thu ngân sách trung ương.
Thực hiện các giải pháp thu hồi nợ
Cũng theo đại diện Cục Thuế TP. Hải Phòng, số nợ thuế hiện nay khoảng 1.700 tỷ đồng, trong đó số nợ có khả năng thu hồi khoảng 700 tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2016 cục thuế đã thu được 345 tỷ đồng, cố gắng từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành thu nợ trên 500 tỷ đồng nữa, đặc biệt là không để số nợ mới phát sinh. Để thực hiện thu nợ có hiệu quả, cục thuế đã tham mưu với thành phố thành lập 6 tổ chống thất thu, bao gồm đại diện cơ quan thuế và các ban ngành chức năng của thành phố. Nhờ sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị nên công tác thu hồi nợ thuế, chống thất thu NSNN đạt hiệu quả cao.
Liên quan đến việc thực hiện các giải pháp thu hồi nợ, ông Mai Sơn – Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, để tăng cường thu hồi nợ thuế, thời gian qua cục thuế đã thường xuyên rà soát, đối chiếu, chuẩn hóa dữ liệu nợ thuế; thực hiện phân loại chính xác nợ thuế của các DN, nhất là các DN nợ trọng điểm; phối hợp phân tích, đánh giá, xác định chính xác nguyên nhân nợ thuế của từng DN để tham mưu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN một cách phù hợp, hiệu quả, đúng pháp luật.
Để cả hệ thống chính trị của thành phố vào cuộc, cục thuế đã tham mưu, đề xuất các giải pháp đôn đốc thu nợ, cưỡng chế nợ với Ban Chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế của thành phố (do đồng chí Phó Chủ tịch UBND làm Trưởng Ban và đại diện các sở, ngành; đại diện 30 quận, huyện thị xã) nhằm đẩy mạnh sự phối hợp các cấp, các ngành và chính quyền địa phương trong công tác thu hồi nợ đọng thuế.
Đại diện Cục Thuế Hà Nội cũng cho biết, thời gian qua cục thuế tiếp tục công khai các DN nợ thuế trên các phương tiên thông tin đại chúng theo quy định. “Việc công khai danh sách các đơn vị nợ thuế được thực hiện đều đặn đã góp phần thể hiện tính công khai, minh bạch, công bằng trong công tác quản lý thuế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh trong cộng đồng DN; có tác động tích cực đến các DN nợ thuế, nhiều DN sợ ảnh hưởng đến uy tín đã tự giác nộp số tiền nợ thuế. Nhiều đơn vị đã chủ động thu xếp dòng tiền để nộp thuế sau khi các đơn vị khác bị công khai thông tin”, ông Sơn cho hay.
Tăng cường công tác Thanh tra, kiểm tra
Tổng cục Thuế cũng yêu cầu cục thuế các địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra các chuyên đề chuyên sâu đối với các DN thuộc các ngành, lĩnh vực có tiềm ẩn rủi ro về trốn thuế, gian lận thuế cao, giao dịch liên kết, chuyển giá. Ngăn chặn các hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm trốn thuế. Đảm bảo công tác thanh tra, kiểm tra từ khâu phân tích rủi ro đến khi ban hành quyết định xử lý vi phạm. Việc thanh tra, kiểm tra phải thực hiện đúng quy trình, nhanh gọn để nâng cao số lượng, chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra. Tổ chức thu đầy đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh, các khoản phải thu theo kết quả thanh tra, kiểm tra vào ngân sách nhà nước (NSNN).
Báo cáo tại hội nghị trực tuyến, đại diện Cục Thuế Hải Phòng cho biết, đơn vị này được Bộ Tài chính giao thu tăng thêm 1.200 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ khá nặng nề, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, cục thuế sẽ quyết tâm cố gắng hoàn thành chỉ tiêu này. Ngay sau hội nghị, cục thuế sẽ thông báo công khai chỉ tiêu mà Tổng cục Thuế cũng như Bộ Tài chính giao; báo cáo lại với thành ủy, HĐND, UBND để tăng cường công tác chỉ đạo toàn hệ thống chính trị để giải quyết công tác thu.
Thực hiện nghiêm các kết luận của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ
Bên cạnh các giải pháp thanh tra, kiểm tra, cưỡng chế nợ thuế, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế tổ chức thực hiện nghiêm túc các kết luận của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ; xử lý dứt điểm các vi phạm, tồn tại đã được cơ quan kiểm toán, thanh tra phát hiện, kiến nghị. Truy thu đầy đủ, kịp thời vào NSNN đối với số tiền phát hiện qua thanh tra, kiểm tra theo kiến nghị của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, kết luận của Thanh tra Chính phủ và thanh tra các cấp.
Theo Thời Báo Tài Chính