Hạch toán hoa hồng đại lý bán hàng đúng giá
Quyết định 15/2006/QĐ-BTC về việc ban hành chế độ kế toán mới trong đó hướng dẫn hạch toán hoa hồng bán hàng đại lý đúng giá như sau :
Khi xác định hoa hồng bán hàng đúng giá mà đại lý được hưởng, bên Đại lý lập hóa đơn trên số hoa hồng thực hưởng để ghi giảm công nợ phải trả cho bên Chủ Hàng đồng thời hạch toán như sau :
- Nợ TK 111, 131 : Phải thu, đã thu từ bán hàng của Đại lý
- Có TK 331 : Số phải trả cho bên chủ hàng
- Có TK 511 : Hoa hồng đại lý được hưởng
- Có TK 33311 : Thuế GTGT trên phần hoa hồng được hưởng
- Nợ TK 331 : Cấn trừ số phải trả cho bên Chủ hàng
Bên Chủ hàng căn cứ vào báo cáo bán hàng của Đại lý, hóa đơn hoa hồng, thực hiện xuất hóa đơn trên phần bán của Đại lý và ghi nhận như sau :
- Có TK 511 : Doanh thu bán hàng đại lý
- Có TK 33311 : Thuế GTGT hàng bán đại lý
- Nợ TK 641 : Hoa hồng đại lý
- Nợ TK 1331 : Thuế GTGT đầu vào của khoản hoa hồng
- Nợ TK 131,138 : Số còn phải thu Đại lý
Nhìn vào hướng dẫn trên đây, chúng ta cần thấy có một số vấn đề như sau đồng thời kiến nghị phương hướng ghi nhận hạch toán cũng như quản lý nhằm thuận lợi hơn trong công tác quản lý số liệu kế toán :
Thứ nhất, hoa hồng không phải là giá trị gia tăng. Thật ra hoa hồng là một phần của giá trị gia tăng và phần giá trị gia tăng đó đã chịu thuế đầu ra của bên Chủ hàng. Trong trường hợp này, có thể thấy có một khoản thuế GTGT đã đánh 2 lần lên phần giá trị tương ứng với hoa hồng. Điều này không thể hiện đúng bản chất của thuế GTGT là không đánh trùng và cũng không thể hiện đúng bản chất của thuế GTGT là đánh lên phần giá trị gia tăng.
Thứ hai, nếu đánh thuế GTGT lên hoa hồng, thì mức hoa hồng đại lý được hưởng ở mức bao nhiêu trong biểu thuế GTGT. Mục I.1 Phần A Thông tư 120/2003/TT-BTC của Bộ Tài Chính hướng dẫn thi hành nghị định 158/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế GTGT có quy định rõ về đối tượng chịu thuế GTGT là “… hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng …”. Vậy hoa hồng có nằm trong nhóm này hay không ?
Thứ ba, giả thiết rằng nếu chủ hàng gửi bán hàng hóa không thuộc diện chịu thuế GTGT nhưng Đại lý là đơn vị áp dụng PP khấu trừ thì sao ? Như vậy, cũng theo QĐ 15 thì trường hợp này không ghi nhận thuế GTGT của hoa hồng được hưởng. Không ghi nhận thuế GTGT trên phần hoa hồng được hưởng thì mâu thuẩn với những phân tích phủ nhận ở điều thứ nhất , nếu ghi nhận hoa hồng thì không thoả đáng vì mặt hàn bán ra không chịu thuế nên hoa hồng bỗng nhiên chịu thuế sẽ làm cho khái niệm chịu thuế của hoa hồng tại những điều kiện khác nhau lại được suy diễn khác nhau. Tiếp đó, nếu giả thiết đại lý là đơn vị hạch toán theo PP trực tiếp, Chủ hàng thì theo PP khấu trừ và mặt hàng thì chịu thuế, thì việc xuất hóa đơn và quản lý sẽ ra sao ?
Ba phân tích trên đây hướng tới việc đề xuất một phương án thống nhất trong việc ghi nhận hoa hồng. Tuy nhiên, trước khi đề xuất, chúng ta hãy thử phân tích xem việc ghi nhận hoa hồng theo 4 sơ đồ 91H, 91I, 91J, 91K có thể hiện ưu điểm nào trong việc ghi nhận thuế của hoa hồng hay không ! Nếu xét về việc ghi nhận thuế của hoa hồng, thật sự việc hạch toán này giống như chỉ là một cách cân đối của kế toán. Đó là nếu ghi nhận thuế GTGT của hoa hồng thì Đại lý chịu nộp thuế GTGT đầu ra và Chủ hàng thì dùng nó làm đầu vào. Giả sử việc hạch toán này giúp cho Cơ quan thuế dễ kiểm tra hơn thì cũng không chính xác lắm, vì gặp phải phân tích thứ ba trên đây, còn gây khó khăn hơn.
Như vậy, thiết nghĩ việc ghi nhận hoa hồng không kèm theo ghi nhận thuế GTGT. Vì có ghi nhận thì cũng không thể hiện được gì mà còn làm cho kế toán rơi vào những tình huống khó khăn “muốn hiểu sao cũng được” (như phân tích thứ ba trên đây), đồng thời không thể hiện đúng ý nghĩa của thuế GTGT là đánh lên giá trị tăng thêm của hàng hóa dịch vụ bán ra.
ThS. Lê Ngọc Lợi, APC
(tapchiketoan.com)