Kế toán làm hồ sơ khống theo lệnh giám đốc, có bị tù?
Luật sư cho tôi hỏi: Theo yêu cầu của giám đốc, kế toán trưởng làm 1 bộ hồ sơ, sổ sách khống để vay vốn ngân hàng. Sau 1 thời gian công ty vỡ nợ và mất khả năng thanh toán. Ngân hàng phát hiện bộ hồ sơ của công ty là giả nên đã kiện ra tòa. Trong trường hợp này có cách nào để kế toán trưởng ko bị quy trách nhiệm về tội làm sổ sách giả ko ạ, vì kế toán chỉ làm theo lệnh của giám đốc. Có văn bản pháp luật nào quy định về vấn đề này ko ạ?
Trả lời:
Về câu hỏi của bạn, Luật Giải Phóng tư vấn như sau:
Trong trường hợp này hành vi làm hồ sơ, sổ sách khống để vay vốn ngân hàng của bạn đã vi phạm pháp luật.
Việc bạn làm theo lệnh của giám đốc không có nghĩa là bạn không phải chịu trách nhiệm do hành vi vi phạm pháp luật của mình.
Tuy nhiên về mức độ xử lý đối với hành vi của bạn sẽ được xem xét dựa trên các yếu tố như bạn có bị ép buộc phải thực hiện hay không? bạn có thu được lợi ích gì từ việc làm hồ sơ sổ sách khống này không? hành vi của bạn cụ thể như thế nào? Mục đích sử dụng vốn vay?
Về trách nhiệm dân sự bạn phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cùng với giám đốc của mình cho tổn thất của phía ngân hàng tương ứng với mức độ lỗi của bạn.
Về trách nhiệm hình sự thì hành vi của bạn có thể được xem xét với vai trò là đồng phạm và phải chịu mức phạt tương ứng với hành vi và mức độ lỗi mình gây ra.
Bạn có thể tham khảo ở các quy định sau:
Điều 604. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại – Bộ luật dân sự 2005
Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.
Điều 267. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức – Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung 2009
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản – Bộ luật hình sự được sửa đổi bổ sung 2009
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Nguồn: Hãng Luật Giải Phóng