Rút ngắn thời gian làm thủ tục về hóa đơn Từ 12/6/2017
Giảm thời gian, chi phí, tạo thuận lợi cho tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh khi sử dụng hóa đơn trong quá trình sản xuất kinh doanh, làm rõ trách nhiệm của cơ quan thuế khi bán hóa đơn… là những điểm mới trong Thông tư 37/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 12/6/2017.
Thông tư 37/2017/TT-BTC về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 và Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 về quản lý hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo hướng giảm thời gian, chi phí, tạo thuận lợi cho tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh khi sử dụng hóa đơn trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Thay đổi điều kiện được tự in hóa đơn
Để bảo đảm tính pháp lý cho tổ chức kinh doanh, doanh nghiệp khi sử dụng hóa đơn tự in, Thông tư 37/2017/TT-BTC đã đưa ra điểm mới liên quan đến văn bản đề nghị sử dụng hóa đơn tự in.
Theo đó, quy định về sự thay đổi điều kiện được tự in hóa đơn để sử dụng cho việc bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đối với doanh nghiệp mới thành lập từ ngày 1/6/2014 có vốn điều lệ dưới 15 tỷ đồng là doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ có thực hiện đầu tư mua sắm tài sản cố định, máy móc, thiết bị có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên ghi trên hóa đơn mua tài sản cố định, máy móc, thiết bị tại thời điểm thông báo phát hành hóa đơn phải có văn bản đề nghị sử dụng hóa đơn tự in và được cơ quan thuế quản lý trực tiếp xác nhận đủ điều kiện.
Thời gian xử lý đề nghị sử dụng hóa đơn tự in của tổ chức kinh doanh, doanh nghiệp được rút xuống từ 5 ngày làm việc còn 2 ngày. Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị của doanh nghiệp, cơ quan thuế quản lý trực tiếp phải có ý kiến về điều kiện sử dụng hóa đơn tự in của doanh nghiệp.
Trường hợp sau 2 ngày làm việc cơ quan quản lý thuế trực tiếp không có ý kiến bằng văn bản thì doanh nghiệp được sử dụng hóa đơn tự in. Thủ trưởng cơ quan thuế phải chịu trách nhiệm về việc không có ý kiến bằng văn bản trả lời doanh nghiệp.
Thời gian mua hóa đơn rút ngắn còn 2 ngày
Cũng giống như trường hợp xử lý đề nghị sử dụng hóa đơn tự in của doanh nghiệp, để tạo thuận lợi cho tổ chức kinh doanh, doanh nghiệp, thời hạn để cơ quan thuế có Thông báo về việc sử dụng hóa đơn đặt in đối với tổ chức kinh doanh, doanh nghiệp cũng được giảm từ 5 ngày làm việc xuống còn 2 ngày làm việc.
Do vậy, trước khi đặt in hóa đơn lần đầu, tổ chức kinh doanh, doanh nghiệp phải gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp đề nghị sử dụng hóa đơn đặt in.
Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị của tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan thuế quản lý trực tiếp phải có Thông báo về việc sử dụng hóa đơn đặt in.
Nếu sau 2 ngày làm việc cơ quan quản lý thuế trực tiếp không có ý kiến bằng văn bản thì tổ chức kinh doanh, doanh nghiệp được sử dụng hóa đơn đặt in. Thủ trưởng cơ quan thuế phải chịu trách nhiệm về việc không có ý kiến bằng văn bản trả lời doanh nghiệp.
Nếu như tại Thông tư 39/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư 119/2014/TT-BTC và Thông tư 26/2015/TT-BTC) Bộ Tài chính quy định, Thông báo phát hành hóa đơn và hóa đơn mẫu phải được gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất 5 ngày trước khi tổ chức kinh doanh bắt đầu sử dụng hóa đơn thì tại Thông tư 37/2017/TT-BTC đã rút ngắn xuống còn 2 ngày trước khi tổ chức kinh doanh bắt đầu sử dụng hóa đơn.
Đồng thời, Thông tư 37/2017/TT-BTC không còn quy định nội dung “và trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký thông báo phát hành”.
Thông tư cũng sung quy định “Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức kinh doanh thanh lý hợp đồng in khi đã lập tờ Thông báo phát hành hóa đơn đối với hợp đồng đặt in hóa đơn không quy định thời hạn thanh lý hợp đồng (đối với hóa đơn đặt in) và không bị xử phạt”.
Ngoài ra khi cơ quan thuế nhận được Thông báo phát hành do tổ chức gửi đến, cơ quan Thuế phát hiện thông báo phát hành không bảo đảm đủ nội dung theo đúng quy định thì trong thời hạn 2 ngày làm việc (Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định là 3 ngày làm việc) kể từ ngày nhận được Thông báo, cơ quan thuế phải có văn bản thông báo cho tổ chức biết. Tổ chức có trách nhiệm điều chỉnh để thông báo phát hành mới.
Làm rõ trách nhiệm của cơ quan thuế khi bán hóa đơn
Tại Thông tư 39/2014/TT-BTC thì các lần mua hóa đơn sau, cơ quan thuế phải căn cứ vào tình hình sử dụng hóa đơn, tình hình kê khai nộp thuế của tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh. Cụ thể, “Đối với các lần mua hóa đơn sau, sau khi kiểm tra tình hình sử dụng hóa đơn, tình hình kê khai nộp thuế và đề nghị mua hóa đơn trong đơn đề nghị mua hóa đơn, cơ quan thuế giải quyết bán hóa đơn cho tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh trong ngày. Số lượng hóa đơn bán cho tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh không quá số lượng hóa đơn đã sử dụng của tháng mua trước đó”.
Tuy nhiên, Thông tư 37/2017/TT-BTC đã bỏ 2 căn cứ trên và thay vào đó là chỉ căn cứ vào đề nghị mua hóa đơn trong đơn đề nghị mua hóa đơn.
Theo đó, “đối với các lần mua hóa đơn sau, căn cứ đề nghị mua hóa đơn trong đơn đề nghị mua hóa đơn, cơ quan thuế giải quyết bán hóa đơn cho tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh trong ngày, số lượng hóa đơn bán cho tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh không quá số lượng hóa đơn đã sử dụng của tháng mua trước đó”.
Những điểm mới của Thông tư 37/2017/TT-BTC đã góp phần bảo đảm tính rõ ràng, chặt chẽ trong quản lý hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ của tổ chức, hộ cá nhân kinh doanh, tạo thuận lợi cho tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh về thủ tục, thời gian, chi phí trong thực hiện các quy định về hóa đơn bán hành hóa, cung ứng dịch vụ.
>>Xem thêm: Những trường hợp nào không xử phạt vi phạm hành chính về thuế
Bạn có thể quan tâm:
Hotline: 0974.975.029 – 0941 900 994 – Hỗ trợ tư vấn: 24/7
Email: hotrokthn@gmail.com