Có được hoàn thuế thu nhập cá nhân đối với trường hợp không có chứng từ khấu trừ thuế hay không?
Có được hoàn thuế thu nhập cá nhân đối với trường hợp không có chứng từ khấu trừ thuế hay không? Đối tượng hoàn thiếu thu nhập cá nhân gồm những gì ? Hồ sơ và thủ tục đăng ký hoàn thuế thu nhập cá nhân theo quy định hiện nay ? Các chứng từ dùng để hoàn thuế giá trị gia tăng và phương pháp hoàn thuế? Các bạn hãy cùng Kế toán hà nội tìm hiểu thêm trong bài viết dưới đây nhé.
- Quy định về hoàn thuế thu nhập cá nhân?
Thưa luật sư, xin hỏi: Sắp đến thời hạn chậm nhất để nộp tờ khai quyết toán thuế TNCN. Tuy nhiên, đến thời điểm này, rất nhiều doanh nghiệp vẫn chưa cấp chứng từ khấu trừ thuế TNCN cho người lao động để người lao động tự đi quyết toán thuế vì chưa mua chứng từ này tại cơ quan thuế. Vậy nếu doanh nghiệp không cấp chứng từ này, người lao động có thể tự đi quyết toán và hoàn thuế TNCN hay không?
Cảm ơn!
Thông tư Thông tư 111/2013/TT-BTC về thuế TNCN tại Điều 25, Khoản 2 quy định về khấu trừ thuế như sau:
“a) Tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập đã khấu trừ thuế theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều này phải cấp chứng từ khấu trừ thuế theo yêu cầu của cá nhân bị khấu trừ. Trường hợp cá nhân ủy quyền quyết toán thuế thì không cấp chứng từ khấu trừ.”
Như vậy, nếu người lao động không thuộc diện được ủy quyền quyết toán thuế TNCN cho cơ quan chi trả thu nhập và có yêu cầu thì CQCT phải cấp chứng từ khấu trừ thuế TNCN cho NLĐ để họ tự đi quyết toán với cơ quan thuế.
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 16 Thông tư 156/2013/TT-BTC về quản lý thuế sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 21 Thông tư 92/2015/TT-BTC về thuế TNCN và thuế GTGT:
“b.2) Hồ sơ khai quyết toán
b.2.1) Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công không thuộc trường hợp được ủy quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế thay thì khai quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế theo mẫu sau:
– Tờ khai quyết toán thuế mẫu số 02/QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC.
– Phụ lục mẫu số 02-1/BK-QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC nếu có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.
– Bản chụp các chứng từ chứng minh số thuế đã khấu trừ, đã tạm nộp trong năm, số thuế đã nộp ở nước ngoài (nếu có). Cá nhân cam kết chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin trên bản chụp đó. Trường hợp tổ chức trả thu nhập không cấp chứng từ khấu trừ thuế cho cá nhân do tổ chức trả thu nhập đã chấm dứt hoạt động thì cơ quan thuế căn cứ cơ sở dữ liệu của ngành thuế để xem xét xử lý hồ sơ quyết toán thuế cho cá nhân mà không bắt buộc phải có chứng từ khấu trừ thuế.”
Căn cứ theo quy định này, để quyết toán thuế TNCN, người nộp thuế băt buộc phải có chứng từ khấu
trừ thuế. Cơ quan thuế chỉ xem xét một số trường hợp NNT không có chứng từ khấu trừ thuế TNCN khi tổ chức chi trả thu nhập đã chấm dứt hoạt động dựa trên cơ sở dữ liệu của ngành thuế.
Về vấn đề hoàn thuế, NNT nếu có số thuế nộp thừa thì không phải nộp hồ sơ hoàn thuế mà chỉ cần ghi số thuế đề nghị hoàn vào chỉ tiêu [47] – “Số thuế hoàn trả vào tài khoản NNT” tại tờ khai quyết toán thuế theo mẫu số 02/QTT-TNCN khi quyết toán thuế theo quy định tại Điều 23 Thông tư 92/2015/TT-BTC.
- Tư vấn thủ tục hoàn thuế Thu nhập cá nhân?
Em mới ra làm kế toán đang phải làm thủ tục hoàn thuế cho cá nhân đã ủy quyền quyết toán thuế TNCN cho công ty. Thủ tục gồm bản chụp chứng từ, biên lai nộp thuế kèm chữ kí người đại diện pháp luật. nhưng em không biết bản chụp chứng từ, biên lai là gì? và từ đâu mà có chứng từ đó ?
Xin giải đáp thắc mắc giúp em ạ! Em chân thành cám ơn!
Căn cứ theo Điều 23 Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập cá nhân quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế 71/2014/QH13 và Nghị định 12/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành:
“Việc hoàn thuế thu nhập cá nhân chỉ áp dụng đối với những cá nhân đã có mã số thuế tại thời điểm đề nghị hoàn thuế.
Đối với cá nhân đã uỷ quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện quyết toán thay thì việc hoàn thuế của cá nhân được thực hiện thông qua tổ chức, cá nhân trả thu nhập.
Cá nhân trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế nếu có số thuế nộp thừa thì được hoàn thuế, hoặc bù trừ với số thuế phải nộp của kỳ tiếp theo.
1. Hoàn thuế đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện quyết toán thay cho các cá nhân có uỷ quyền quyết toán thuế.
Trường hợp tổ chức, cá nhân trả thu nhập sau khi bù trừ số thuế nộp thừa, nộp thiếu của các cá nhân mà có số thuế nộp thừa, nếu đề nghị cơ quan thuế hoàn trả thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập nộp hồ sơ hoàn thuế cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý. Hồ sơ hoàn thuế bao gồm:
– Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước theo mẫu số 01/ĐNHT ban hành kèm theo Thông tư này.
– Bản chụp chứng từ, biên lai nộp thuế thu nhập cá nhân và người đại diện hợp pháp của tổ chức, cá nhân trả thu nhập ký cam kết chịu trách nhiệm tại bản chụp đó.”
Theo đó khi thực hiện hoàn thuế TNCN cho cá nhân cần phải có bản chụp chứng từ biên lại nộp thuế thu nhập cá nhân, bản chụp chứng từ biên lai này bạn có thể là tờ khai quyết toán thuế TNCN, ủy nhiệm chi nộp tiền thuế TNCN của ngân hàng nơi mở tài khoản giao dịch với cơ quan thuế,…
- Hoàn thuế thu nhập cá nhân khi chỉ có thu nhập duy nhất?
Câu hỏi đặt ra: Tôi xin có vấn đề này rất mong công ty luật giải đáp thắc mắc. Cụ thể là tôi là năm 2013 tôi mới tốt nghiệp đại học và chỉ làm công việc thời vụ vào 3 tháng cuối năm( hợp đồng 3 tháng) tổng lương tôi làm 3 tháng đó là 56triệu. Và công ty trừ 10% của 3 tháng là 5.6 triệu tiền thuế TNCN. Cho tôi được hỏi công ty trừ thuế như vậy có đúng không? Và bây giờ có cách nào quyết toán để lấy lại số tiền thừa không. Vì năm 2013 thôi chỉ làm duy nhất 3 tháng ở công ty trên?
” Điều 25. Khấu trừ thuế và chứng từ khấu trừ thuế (Thông tư số 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính )
- Khấu trừ thuế
- b) Thu nhập từ tiền lương, tiền công
b.1) Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên thì tổ chức, cá nhântrả thu nhập thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần, kể cả trường hợp cá nhân ký hợp đồng từ ba (03) tháng trở lên tại nhiều nơi.
b.2) Đối với cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên nhưng nghỉ làm trước khi kết thúc hợp đồng lao động thì tổ chức, cá nhântrả thu nhập vẫn thực hiện khấu trừ thuế theo Biểu thuế lũy tiến từng phần.
….
- i) Khấu trừ thuế đối với một số trường hợp khác
Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.”
Vậy đối với trường hợp hợp đồng của bạn là hợp đồng lao động dưới 3 tháng thì phải khấu trừ 10% trước khi trả thu nhập
Nếu hợp đồng lao động của bạn có thời hạn đủ 3 tháng thì phải khấu trừ theo biểu thuế lũy tiến từng phần.
Tuy nhiên, dù khấu trừ 10% hay khấu trừ theo biểu thuế lũy tiến thì với số tiền lương là 56 triệu thì khi quyết toán thuế thì thu nhập của bạn chưa đến mức chịu thuế nên khi bạn đã có số tiền thuế nộp thừa thì bạn sẽ được hoàn thuế.
Đối với số thuế TNCN nộp thừa thì tiến hành làm đề nghị hoàn thuế. Bạn có thể làm Đề nghị hoàn trả ngân sách nhà nước theo mẫu 01/ĐNHT ban hành theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Điểm c khoản 2 Điều 33 Thông tư 156/2013/TT-BTC quy định: “c) Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa theo hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều này và người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa quy định tại điểm a khoản này sau khi thực hiện bù trừ theo hướng dẫn tại điểm a, điểm b khoản này mà vẫn còn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa thì người nộp thuế gửi hồ sơ đề nghị hoàn thuế đến cơ quan thuế trực tiếp quản lý để được giải quyết hoàn thuế theo hướng dẫn tại Chương VII Thông tư này.”
- Thủ tục hoàn thuế TNCN cho cá nhân nộp thừa thuế?
Xin chào Luật Minh Khuê! Em có câu hỏi mong được giải đáp: Năm 2014, em chỉ làm việc cho 1 công ty nhưng do cty bảo em không làm giấy ủy quyền quyết toán thuế cho cty nên phải tự quyết toán thuế (có thể bị thất lạc đâu đó mặc dù em có làm ủy quyền cùng đợt với các nhân viên khác nhưng bị sót lại em) có số thuế nộp thừa là 1.435.000 đ.
Lúc đó em làm việc ở TP HCM, có mã số thuế do chi cục thuế quận 1 cấp, nhưng công ty em lại có mã số thuế do chi cục thuế hà nội quản lý. Năm 2015 do cty tách ra nên em thuộc đối tượng có thu nhập 2 nơi (công ty cũ và công ty mới có mã số thuế ở Tp hcm. Hiện tại, em có hộ khẩu ở Tiền Giang, tạm trú ở Long An. Em muốn làm thủ tục để hoàn thuế cho 2 năm này thì em sẽ nộp ở đâu ạ? Em đã có chứng từ khấu trừ thuế TNCN do công ty gửi cho em, em cần thêm giấy tờ nào nữa ạ? Em có thể gửi qua đường bưu điện được không?
Căn cứ vào điểm c khoản 3 Điều 21 Thông tư 92/2015/TT_BTC hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú:
“c) Nơi nộp hồ sơ khai thuế
c.1) Nơi nộp hồ sơ khai thuế quý
Nơi nộp hồ sơ khai thuế đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế là Cục Thuế trực tiếp quản lý nơi cá nhân làm việc hoặc nơi phát sinh công việc tại Việt Nam (trường hợp cá nhân không làm việc tại Việt Nam).
c.2) Nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế
c.2.1) Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp khai thuế thì nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế là Cục Thuế nơi cá nhân nộp hồ sơ khai thuế trong năm.
c.2.2) Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công từ hai nơi trở lên thuộc diện tự quyết toán thuế thì nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế như sau:
– Cá nhân đã tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại tổ chức, cá nhân trả thu nhập nào thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan thuế trực tiếp quản lý tổ chức, cá nhân trả thu nhập đó. Trường hợp cá nhân có thay đổi nơi làm việc và tại tổ chức, cá nhân trả thu nhập cuối cùng có tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan thuế quản lý tổ chức, cá nhân trả thu nhập cuối cùng. Trường hợp cá nhân có thay đổi nơi làm việc và tại tổ chức, cá nhân trả thu nhập cuối cùng không tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú (nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú).
– Trường hợp cá nhân chưa tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân ở bất cứ tổ chức, cá nhân trả thu nhập nào thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú (nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú).”
Theo đó, bạn đã thay đổi nơi làm việc đến công ty mới, nơi quyết toán thuế của bạn năm 2014, 2015 như sau:
Tại Chi cục Thuế quản lý thuế trực tiếp của công ty mới (tại thành phố HCM) nếu bạn đang được tính giảm trừ bản thân tại công ty mới.
Tại Chi cục Thuế ở nơi bạn cư trú nếu bạn không tính giảm trừ bản thân tại công ty mới.
Theo quy định tại Điều 23 Thông tư 92/2015/TT_BTC:
“Điều 23. Sửa đổi, bổ sung Điều 53 Thông tư 156/2013/TT_BTC hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý thuế như sau:
- Đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế nếu có số thuế nộp thừa thì cá nhân không phải nộp hồ sơ hoàn thuế mà chỉ cần ghi số thuế đề nghị hoàn vào chỉ tiêu [47] – “Số thuế hoàn trả vào tài khoản NNT” hoặc chỉ tiêu [49] – “Tổng số thuế bù trừ cho các phát sinh của kỳ sau” tại tờ khai quyết toán thuế theo mẫu số 02/QTT-TNCN khi quyết toán thuế.” Như vậy, bạn chỉ cần nộp hồ sơ quyết toán thuế mà không cần phải nộp hồ sơ hoàn thuế.
Về hình thức nộp hồ sơ quyết toán thuế, nếu bạn chưa đăng kí và khai quyết toán thuế TNCN qua mạng thì bạn phải trực tiếp nộp hồ sơ với cơ quan thuế mà không được gửi qua bưu điện.
- Quy định mới hoàn thuế nhập khẩu ?
Các doanh nghiệp có nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu để sản xuất sản phẩm xuất khẩu, khi nhập khẩu phải nộp một khoản tiền thuế nhập khẩu không nhỏ. Vậy khi xuất khẩu, có được hoàn thuế nhập khẩu không? Các quy định để được hoàn thuế nhập khẩu là gì? Cảm ơn!
+ Đối tượng được hoàn thuế nhập khẩu
Căn cứ Điềm d Khoản 1 Điều 19, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ố 107/2016/QH13 quy định:
“Người nộp thuế đã nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh nhưng đã đưa vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu và đã xuất khẩu sản phẩm” được hoàn thuế nhập khẩu đã nộp.
Căn cứ Khoản 1 Điều 36 Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ quy định:
“Người nộp thuế đã nộp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh nhưng đã đưa vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu và đã xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan, được hoàn thuế nhập khẩu đã nộp.”
Như vậy, doanh nghiệp được hoàn thuế trong trường hợp đã nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu nhưng đưa vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu và đã xuất khẩu sản phẩm.
+ Quy định về điều kiện hoàn thuế nhập khẩu
Căn cứ Khoản 3 điều 36 Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định cơ sở để xác định hàng hóa được hoàn thuế bao gồm:
“a, Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa xuất khẩu có cơ sở sản xuất hàng hóa xuất khẩu trên lãnh thổ Việt Nam, có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối với máy móc, thiết bị tai cơ sở sản xuất phù hợp với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu
b, Trị giá hoặc lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu được hoàn thuế là trị giá hoặc lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu thực tế được sử dụng để sản xuất sản phẩm thực tế xuất khẩu
c, Sản phẩm xuất khẩu được làm thủ tục hải quan theo loại hình sản xuất xuất khẩu
d, Tổ chức, cá nhân trực tiếp hoặc ủy thác nhập khẩu hàng hóa, xuất khẩu sản phẩm
Người nộp thuế có trách nhiệm kê khai chính xác, trung thực trên tờ khai hải quan về sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ hàng hóa nhập khẩu trước đây.”
Căn cứ quy định trên, những doanh nghiệp có đủ điều kiện sau, được hoàn thuế nhập khẩu:
– Những đơn vị nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất hàng xuất khẩu
– Có cơ sở sản xuất, máy móc thiết bị tại cơ sở sản xuất phù hợp với vật tư nguyên liệu, linh kiện nhập về
– Sản phẩm sản xuất ra được xuất khẩu
– Được hoàn thuế tương đương phần nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu
– Có thể trực tiếp hoặc ủy thác nhập khẩu xuất khẩu hàng hóa.
Theo Công văn số: 11080/BTC-TCHQ, hướng dẫn về hoàn thuế nhập khẩu có ghi rõ:
“Trường hợp Công ty TNHH Serveone Việt Nam nhập khẩu hàng hóa sau đó bán cho Công ty LG Electronics Việt Nam để sản xuất sản phẩm xuất khẩu, do Công ty TNHH Serveone Việt Nam không có cơ sở sản xuất hàng hóa xuất khẩu, không trực tiếp sản xuất sản phẩm, không trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác xuất khẩu nên không đáp ứng các quy định để được hoàn thuế nhập khẩu nêu tại khoản 3 Điều 36 Nghị định 134/2016/NĐ-CP.”
Theo quy định trên, nếu công ty nhập hàng về, nhưng không tổ chức sản xuất mà bán ngay cho đơn vị khác, không đủ điều kiện như đã nên trên, sẽ không được hoàn thuế nhập khẩu.
- Mở rộng đối tượng hoàn thuế giá trị gia tăng?
Kính chào Luật Minh Khuê! Doanh nghiệp tôi vừa có hoạt động mua hàng trong nước, nhập khẩu hàng từ nước ngoài để bán trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Doanh nghiệp tôi, kê khai và nộp thuế GTGT theo tháng. Giả sử: tháng 5/2018, số thuế GTGT chưa khấu trừ hết của bên tôi là 2 tỷ đồng thì bên tôi có được hoàn thuế toàn bộ số tiền này hay không?
Tôi có nghe nói về vấn để mở rộng đối tượng được hoàn thuế GTGT vào năm 2018. Nếu không được hoàn thuế toàn bộ thì bên tôi được hoàn thuế GTGT như thế nào?
Trân trọng cảm ơn!
Thông tư 219/2013/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 quy định về 9 đối tượng được hoàn thuế GTGT theo quy định tại Điều 18. Từ thời điểm đó đến nay, các quy định của pháp luật về thuế đã được sửa đổi để phù hợp với thực tế và nhu cầu quản lý nhà nước, trong đó, việc hoàn thuế với một số đối tường được thực hiện như sau:
- Đối với hoạt động bán hàng trong nước.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Thông tư 219/2013/TT-BTC:
“Cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc trong quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo; trường hợp lũy kế sau ít nhất mười hai tháng tính từ tháng đầu tiên hoặc sau ít nhất bốn quý tính từ quý đầu tiên phát sinh số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết mà vẫn còn số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế.”
Điều khoản này được áp dụng cho đến 01/07/2016 thời điểm có hiệu lực của Nghị định 100/2016/NĐ-CP, Thông tư 130/2016/TT-BTC. Khoản 3 Điều 1 thông tư 130/2016/TT-BTC quy định:
“Cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc trong quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo. “
Theo đó, đối với hoạt động bán hàng trong nước sẽ không được hoàn thuế GTGT.
- Đối với trường hợp xuất khẩu hàng hóa
Theo quy định tại khoản 4 Điều 18 Thông tư 219/2013/TT-BTC và điểm b khoản 12 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC:
“Cơ sở kinh doanh trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng), quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) có hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu nếu thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng theo tháng, quý; trường hợp trong tháng, quý số thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu chưa được khấu trừ chưa đủ 300 triệu đồng thì được khấu trừ vào tháng, quý tiếp theo.
Cơ sở kinh doanh trong tháng/quý vừa có hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, vừa có hàng hoá, dịch vụ bán trong nước thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế GTGT cho hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu nếu số thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên.”
Căn cứ vào quy định trên thì:
– Cơ sở kinh doanh hoàn thuế theo trường hợp có hàng hóa xuất khẩu cần có số thuế GTGT đầu vào của hàng xuất khẩu chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên.
– Phải xác định và hoàn thuế riêng đối với phần thuế GTGT đầu vào của hàng hóa xuất khẩu.
Sau khi Thông tư 130/2016/TT-BTC có hiệu lực thì đối tượng được hoàn thuế GTGT đối với trường hợp xuất khẩu bị thu hẹp phạm vi. Theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 130/2016/TT-BTC:
“Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Luật Hải quan, Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 02/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các văn bản hướng dẫn.”
Căn cứ theo quy định trên, đối với đối tượng hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu sẽ không được hoàn thuế GTGT nữa.
Theo quy định mới nhất tại Nghị định 146/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/02/2018 và Thông tư 25/2018/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/05/2018:
“Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp: Hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu mà hàng hóa xuất khẩu đó không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan; hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan.”
Như vậy, tại thời điểm hiện nay, nếu hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu có thể được hoàn thuế theo quy định pháp luật.
Đối với trường hợp cụ thể của bạn:
– Số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa doanh nghiệp bán ra nội địa sẽ không được hoàn thuế.
– Số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa (bao gồm cả mua trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài) mà doanh nghiệp xuất khẩu có thể được hoàn thuế nếu từ 300 triệu đồng trở lên sau khi bù trừ với số thuế GTGT phát sinh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước và mức thuế GTGT được hoàn này không được vượt quá doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nhân (x) với 10% (quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 130/2016/TT-BTC.
Để xác định được số thuế được hoàn, doanh nghiệp cần hạch toán riêng số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa dùng cho xuất khẩu hoặc phân bổ theo tỷ lệ doanh thu, bù trừ số thuế GTGT phải nộp cho hoạt động kinh doanh trong nước.
Trên đây là bài viết Có được hoàn thuế thu nhập cá nhân đối với trường hợp không có chứng từ khấu trừ thuế hay không? mà Kế toán hà nội tổng hợp được hi vọng giúp ích được bạn trong công việc.
Nếu có bất kỳ thắc mắc liên quan cần giải đáp bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ. Tổng đài hỗ trợ tư vấn miễn phí: 1900 6246
Ketoanhn.org chúc bạn làm tốt công việc
Kết nối với chúng tôi: https://www.facebook.com/ketoanhn.org/
Nếu bạn muốn học thực tế trải nghiệm va vất cùng kế toán trưởng giàu kinh nghiệm cần trên tay bộ chứng từ bao gồm: hóa đơn đỏ, phiếu thu chi, nhập xuất…của doanh nghiệp đang hoạt động có thể lựa chọn một lớp học kế toán thực hành của Trung tâm kế toán Hà Nội là đơn vị được thành lập từ năm 2005 đi đầu trong lĩnh vực đào tạo kế toán thực hành trên chứng từ hóa đơn đỏ hiện có 39 cơ sở học trên toàn quốc, 6 cơ sở học tại Hà Nội. Hàng tháng trung tâm vẫn đào tạo cho hơn 1000 học viên trên toàn quốc.
Chi tiết liên hệ Hotline: 0974 975 029 (Mr Quân)