Thông tư số 20/2017/TT-BTC: Bổ sung, sửa đổi đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
Chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 20/4/2017, Thông tư số 20/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 8 Thông tư số 195/2015/TT-BTC ngày 24/11/2015 được nhiều doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu đánh giá là kịp thời theo yêu cầu thực tiễn.
Thực tế, Thông tư số 195/2015/TT-BTC ngày 24/11/2015 đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016, tuy nhiên trước những yêu cầu phát sinh từ thực tiễn, Bộ Tài chính tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi đảm bảo hài hòa, hợp lý.
Theo đó, tại Thông tư số 20/2017/TT-BTC, Bộ Tài chính quy định: Người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB ) đối với hàng hóa chịu thuế TTĐB nhập khẩu được khấu trừ số thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu khi xác định số thuế TTĐB phải nộp bán ra trong nước.
Số thuế TTĐB được khấu trừ tương ứng với số thuế TTĐB của hàng hóa chịu thuế TTĐB nhập khẩu bán ra và chỉ được khấu trừ tối đa bằng tương ứng số thuế TTĐB tính được ở khâu bán ra trong nước. Đối với số thuế TTĐB không được khấu trừ thuế, người nộp thuế được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cùng với đó, Thông tư cũng quy đinh rõ các điều kiện khấu trừ thuế TTĐB được quy định như sau:
Một là, đối với trường hợp nhập khẩu nguyên liệu chịu thuế TTĐB để sản xuất hàng hóa chịu thuế TTĐB và trường hợp nhập khẩu hàng hóa chịu thuế TTĐB thì chứng từ để làm căn cứ khấu trừ thuế TTĐB là chứng từ nộp thuế TTĐB khâu nhập khẩu;
Hai là, trường hợp mua nguyên liệu trực tiếp của nhà sản xuất trong nước thì cần phải đáp ứng cấc điều kiện sau:
Hợp đồng mua bán hàng hóa (trong hợp đồng phải có nội dung thể hiện hàng hóa do cơ sở bán hàng trực tiếp sản xuất), Bản sao Giấy chứng nhận kinh doanh của cơ sở bán hàng (có chữ ký, đóng dấu của cơ sở bán hàng); Chứng từ thanh toán qua ngân hàng; Chứng từ để làm căn cứ khấu trừ thuế TTĐB là hóa đơn GTGT khi mua hàng.
Theo đó, số thuế TTĐB mà đơn vị mua hàng đã trả khi mua nguyên liệu được xác định = giá tính thuế TTĐB nhân (x) thuế suất thuế TTĐB. Trong đó:
Giá tính thuế TTĐB = (Giá mua chưa có thuế TTĐB (thể hiện trên hóa đơn GTGT) – Thuế bảo vệ môi trường (nếu có)): (1 + thuế suất thuế TTĐB )
Việc khấu trừ tiền thuế TTĐB được thực hiện khi kê khai thuế TTĐB, thuế TTĐB phải nộp được xác định theo công thức sau:
Số thuế TTĐB phải nộp = Số thuế TTĐB của hàng hóa chịu thuế TTĐB được bán ra trong kỳ – Số thuế TTĐB đã nộp đối với hàng hóa, nguyên liệu ở khâu nhập khẩu hoặc số thuế TTĐB đã trả ở khâu nguyên liệu mua vào tương ứng với số hàng hóa được bán ra trong kỳ.
Nếu chưa xác định được chính xác số thuế TTĐB đã nộp (hoặc đã trả) cho số nguyên vật liệu tương ứng với số sản phẩm tiêu thụ trong kỳ thì có thể căn cứ vào số liệu của kỳ trước để tính số thuế TTĐB được khấu trừ và sẽ xác định theo số thực tế vào cuối quý, cuối năm.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định, trong mọi trường hợp, số thuế TTĐB được phép khấu trừ tối đa không vượt quá số thuế TTĐB tính cho phần nguyên liệu theo tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật của sản phẩm. Cơ sở sản xuất phải đăng ký định mức kinh tế kỹ thuật của sản phẩm với cơ quan thuế trực tiếp quản lý cơ sở.
Đối với các doanh nghiệp được phép sản xuất xăng E5, E10, việc kê khai nộp thuế, khấu trừ thuế TTĐB được thực hiện tại cơ quan thuế địa phương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính. Số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết trong kỳ của xăng E5, E10 được bù trừ với số thuế TTĐB phải nộp của hàng hóa, dịch vụ khác.
Người nộp thuế TTĐB thực hiện nộp Tờ khai thuế TTĐB theo Mẫu số 01/TTĐB và Bảng xác định thuế TTĐB được khấu trừ (nếu có) của nguyên liệu mua vào, hàng hóa nhập khẩu (Mẫu số 01-1/TTĐB ) được ban hành kèm theo Thông tư này”.
Theo Tạp chí tài chính
Xem thêm:>> Giảm mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 01/6/2017
Bạn có thể quan tâm:
Hotline: 0974.975.029 – 0941 900 994 – Hỗ trợ tư vấn: 24/7
Email: hotrokthn@gmail.com